Mã sách | R302 |
Tác giả | M.B.R.A. Maktoum |
Năm xuất bản | 2015 |
Số trang | 277 |
Thể loại | Khác |
Số lượng | 1 |
“Người lãnh đạo tốt là người luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi ích của bất kỳ phe nhóm nào” - Mohammed bin Rashid Al Maktoum Cuốn sách Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia (được biên dịch từ My Vision) của tác giả, đồng thời cũng là Quốc vương Dubai - Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Cuốn sách là một cái nhìn toàn diện về Dubai nói riêng và về Ả Rập nói chung, sẽ là một kinh nghiệm, một tham chiếu quý báu cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chỉ trong vòng 20 năm, với dân số khoảng 2 triệu người trên diện tích 4.000 km2, Dubai đã phát triển thần kỳ, nổi lên như một thành phố toàn cầu và là một trung tâm kinh tế của thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản, các công trình đồ sộ bậc nhất thế giới: The Palm - quần đảo nhân tạo lớn và đẹp nhất thế giới; Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới; Jebel Ali - cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới,… Thành phố biển xinh đẹp Dubai được đánh giá là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới, là trung tâm tài chính hàng đầu ở khu vực Trung Đông, là “thành phố mua sắm của Trung Đông”. Dubai còn được mệnh danh “vương quốc du lịch”, thu hút lượng khách du lịch đứng thứ 8 trên thế giới. Điều gì đã làm nên điều thần kỳ đó cho Dubai - một Tiểu quốc mà ở thời điểm sau Thế chiến thứ nhất đã từng có nhiều người dân phải chết đói trong một nền kinh tế sụp đổ, kiệt quệ? Trong cuốn sách Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia, Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Tiểu quốc Dubai, Toàn quyền Dubai, và là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã tóm tắt và chỉ rõ con đường tiến đến sự phát triển thần kỳ của Dubai. Trên con đường đó, ngoài mục tiêu, sự lãnh đạo và quá trình triển khai thực hiện đều phải thật xuất sắc thì tầm nhìn được đánh giá là yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển thần kỳ của Dubai. Tầm nhìn có thể là cái gì khác? Nếu tầm nhìn không phải là khoa học, nó là gì? Là nghệ thuật? Là tài năng? Nó phát triển từ một cá nhân không xét đến hoàn cảnh xung quanh của anh ta hay nó là thứ có quan hệ với hoàn cảnh tương lai của anh ta? Có phải nó được thừa hưởng? Tác giả Mohammed bin Rashid Al Maktoum lý giải: "Dù là trường hợp nào, tầm nhìn cũng luôn cần kết hợp với yếu tố quyết định: nó phải khả thi". Tác giả nói thêm: “Tuy nhiên, tính khả thi của tầm nhìn là chưa đủ. Tầm nhìn không giúp các nền văn minh đạt được tăng trưởng và tiến bộ, trừ khi người có tầm nhìn biết đặt yêu cầu chuyển tầm nhìn thành hiện thực trong một thời hạn hợp lý".